Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

Chủ tịch Vinaxuki: Tiềm năng ôtô Việt không thua Nhật Bản, Hàn Quốc

Không được ưu ái, đã vậy còn chịu gánh nặng thuế phí, khó tiếp cận vốn ngân hàng nên công nghiệp ôtô trong nước 10 năm qua vẫn bế tắc dù tiềm năng tốt, theo ông Bùi Ngọc Huyên.
 
Chủ tịch Tập đoàn Vinaxuki trao đổi với VnExpress ít ngày sau khi viết tâm thư cầu cứu Thủ tướng.

- Tâm thư 12 trang vừa được ông gửi tới Thủ tướng cho thấy nhiều trăn trở với công nghiệp ôtô. Tại sao vậy thưa ông?

- Đây là ngành công nghiệp tổng hợp, đòi hỏi sự phát triển từ nhiều ngành như cơ khí, luyện kim, hóa chất, điện tử…. Để sản xuất chiếc ôtô thì không phải một đơn vị làm được. Trong 10 năm vừa qua, cơ quan quản lý đã đưa ra được chiến lược, nhưng chính sách nuôi dưỡng ngành vẫn còn ít, gần như chỉ có những ưu đãi về lắp ráp. Mà nếu chỉ ưu đãi về lắp ráp thì khó hình thành ngành công nghiệp ôtô vì nó chỉ chiếm 6% giá trị một chiếc xe. Việc sản xuất những phụ tùng cốt lõi như thân, vỏ xe và hộp số động cơ cũng chưa được chú ý.

Việt Nam gia nhập AFTA quá sớm, trong khi chính sách lại chưa được điều chỉnh phù hợp nên gây ra nhiều bất cập, các doanh nghiệp FDI không chịu đầu tư nội địa hóa. Còn doanh nghiệp Việt trong thời gian qua đầu tư nội địa hóa nhưng gặp rất nhiều khó khăn vì bỏ ra khoản tiền lớn, đầu tư dây chuyền công nghệ cao hiện đại vào loại hiện đại nhất thế giới nhưng vẫn loay hoay, bế tắc.

Ông Bùi Ngọc Huyên cho rằng công nghiệp ôtô Việt Nam có thể phát triển nếu được ưu đãi.

- Bản thân Vinaxuki đang gặp những khó khăn gì?

- Khi chúng tôi làm hồ sơ vay vốn, các ngân hàng thẩm định thường cho rằng, đầu tư nội địa hóa ôtô là phiêu lưu, rủi ro. Vì thế, chúng tôi khó tiếp cận được nguồn vốn như mong muốn. Trong  khi đó, ở các nước, Chính phủ có định mức cho doanh nghiệp vay. Ví dụ làm thân vỏ xe được vay 100 triệu đôla với thời hạn 20 năm, làm động cơ được vay tiếp 100 triệu đôla với thời hạn 20 năm. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc này lại do ngân hàng thương mại chủ động thì rất khó. Từ khi bắt tay vào sản xuất  tô đến nay, tôi chưa vay được đồng vốn ưu đãi nào. Có thời điểm, tôi phải chịu lãi suất tới 20% để nhập thiết bị, máy móc của nước ngoài.

Trong vòng 8 tháng gần đây, Thủ tướng đến 4 lần yêu cầu các cấp, ngành ưu đãi vốn cho Vinaxuki nhưng đến nay vẫn chưa có ai giải quyết. Khoản vay 250 tỷ đồng từ Ngân hàng Phát triển (VDB) cũng phải qua 6 Bộ, ngành duyệt. Mỗi cơ quan lại có ý kiến khác nhau nên chúng tôi cũng chưa thể tiếp cận được.

- Thuế phí luôn được cho là một rào cản với ngành công nghiệp ôtô, còn ông nghĩ sao?

- Chính sách đánh thuế của Việt Nam hiện còn nhiều điểm chưa hợp lý. Ví dụ như phí đường, xe 4 chỗ, động cơ nhỏ cũng có phí như xe động cơ lớn. Ở nước ngoài họ phân định rõ hơn, xe to và nhỏ đánh thuế khác nhau...

Nhiều chính sách của Việt Nam hiện cũng không thống nhất. Bộ Công Thương thì ủng hộ phát triển ngành công nghiệp ôtô. Trong khi ngành giao thông lại muốn hạn chế vì sợ quá tải hệ thống đường, dẫn tới các chính sách thuế, phí chồng chéo nhau.

Nhân tiện nói về chính sách thuế phí, tôi cho rằng nên bỏ khái niệm thuế tiêu thụ đặc biệt mà đổi tên thành thuế chống xa xỉ. Như vậy thì những gì nhập ngoại, dùng ngoại tệ thì gọi là xa xỉ và đánh thuế. Ngược lại những mặt hàng nào được sản xuất bằng lao động và nguyên liệu của Việt Nam thì không nên gọi là xa xỉ. Làm như vậy mới khuyến khích người dân dùng hàng nội được.

- Theo Hiệp định CEPT/AFTA, đến 2018 mặt hàng ôtô nhập khẩu từ ASEAN sẽ được xóa bỏ thuế quan. Các doanh nghiệp Việt chuẩn bị cho thời điểm này thế nào?

- Theo tôi, điều quan trọng là tới đây Chính phủ có khuyến khích nội địa hóa xe trong nước không? Nếu tiếp tục theo đuổi chính sách như lâu nay thì không làm được, có thể chiến lược sẽ phá sản. Doanh nghiệp FDI họ phải vay vốn 1-2% mà chúng tôi phải vay vốn với lãi suất hơn 20% thì ta thua là điều đương nhiên. Đây cũng chính là lý do khiến không chỉ ngành ô tô mà những doanh nghiệp lĩnh vực khác cũng khó cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại.

Ở dòng xe du lịch, trước đó, chúng tôi dự kiến sẽ tung ra sản phẩm xe rẻ nhất giá không quá 200 triệu, có thể cạnh tranh với những dòng ngoại. Hiện xe của chúng tôi sản xuất đã nội địa hóa được 50%, nhưng đến nay chẳng có thêm vốn lưu động để làm tiếp, đành ngồi chờ từ nhiều tháng nay.

Nếu xe du lịch có thương hiệu như ở nước ngoài thì lợi nhuận rất cao. Tuy nhiên, những doanh nghiệp như Vinaxuki chúng tôi là thương hiệu mới, chỉ mong bán hòa vốn trong 3-4 năm đầu, thậm chí có thể lỗ. Ở các nước, nếu được vay vốn không lãi trong 5 năm đầu thì có thể làm không lỗ, chứ như vay thương mại như hiện nay thì không ăn thua.

- Theo ông công nghiệp ôtô Việt còn cơ hội nào để phát triển?

- Tôi biết, nhiều Bộ, ngành, chuyên gia không tin công nghiệp ôtô của Việt Nam có thể thành công nên chưa ủng hộ. Riêng tôi thì tin rằng nếu Chính phủ có chính sách đúng thì chúng ta hoàn toàn làm được công nghiệp ôtô. Sản xuất nên đi từ những xe giá rẻ, cho những người ít tiền giống như chính sách xây nhà cho những người thu nhập thấp. Chính phủ nên có những chính sách giống như Ấn Độ và một số nước ASEAN. Họ hỗ trợ, bảo vệ cho doanh nghiệp sản xuất dòng xe dành cho những người thu nhập thấp.

Tôi cho rằng tiềm năng của Việt Nam không yếu so với các nước trong khu vực. Tài nguyên và nguồn lao động hơn hẳn Nhật Bản và Hàn Quốc. Về thị trường thì rõ ràng nhiều quốc gia đang đua nhau mang xe đến đây để bán bởi Việt Nam có dân số đông.  Riêng về khoa học kỹ thuật thì chỉ cần có tiền là mua được công nghệ. Vấn đề là Chính phủ phải có sự hỗ trợ doanh nghiệp. Ngành công nghiệp nào không có sự nuôi dưỡng, hỗ trợ thì khó thành hình là điều dễ hiểu.

Ngọc Tuyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét